VINH QUANG ĐỨC MARIA
Phạm Duy Lễ chuyển ngữ MARIA CẤP CỨU NGƯỜI CẦU XIN MẸ Tìm người thiết tha tôn kính Lũ con cháu rủi vận của Evà ít phúc chúng ta sinh vào thung lũng châu lệ này, mang theo gánh nặng nguyên tội và bản án đầu tiên ra trước tòa Chúa. Chúng ta đã bị đày ải khỏi quê hương, sống trầm muộn giữa biết bao sầu khổ, thân xác linh hồn trĩu nặng dưới biết bao tai ách man vàn. Nhưng hạnh phúc cho người nào, giữa cuộc sống quẫn bách trần ai này, năng ngước nhìn lên Mẹ Maria là Đấng an ủi thế giới, là nơi trú ẩn của kẻ khốn cùng; hạnh phúc cho ai đem lòng yêu mến thành khẩn cầu xin Mẹ tôn nghiêm Thiên Chúa! Chính Mẹ Maria cũng đã tuyên ngôn: Hạnh phúc cho người lắng nghe lời Mẹ dẫn dụ, hạnh phúc cho người ngày ngày canh thức trước lối vào nhà Mẹ (Cn 8, 34), trước cửa tình thương, để van xin Mẹ can thiệp, khẩn nài Mẹ hộ phù. Giáo hội, Mẹ khôn ngoan của chúng ta, cũng ân cần giảng dạy cho ta hiểu phải liên tục đến cầu xin người Mẹ bảo trợ yêu đương này với một niềm tin tưởng trung thành và vững mạnh như thế nào. Chính vì thế mà Giáo hội đã tôn sùng Mẹ bằng cách sùng kính biệt tôn; đã tăng thêm nhiều lễ trọng kính Mẹ trong năm; đã dâng kính Mẹ mỗi tuần một ngày riêng biệt; chính vì thế mà Giáo hội đã truyền cho toàn thể hàng tư giáo cũng như tất cả bậc tu trì hằng ngày phải nhân danh toàn thể dân Thiên Chúa mà khẩn cầu cùng Mẹ; đã truyền cho giáo hữu mỗi ngày phải kính chào Mẹ theo hiệu chuông ba lần đồng vọng qua không gian. Muốn hiểu tường tận nguyện ý của Giáo hội trong vấn đề này hơn nữa, ta cần biết trong những cơn lâm nguy, Giáo hội đã mau mắn đến cầu xin Mẹ như thế nào, đã chỉ định nhiều tuần cửu nhật, nhiều kinh nguyện, nhiều cuộc rước, nhiều cuộc kính viếng tượng ảnh và nguyện đường của Mẹ như thế nào. Mặt khác, chính Mẹ Maria cũng ân cần khuyến khích chúng ta cầu nguyện cùng Mẹ, đến xin Mẹ ban ơn. Thánh Bonaventura viết: “Mẹ đi tìm kiếm những tâm hồn thiết tha tôn kính mến yêu Mẹ”. Thực ra, không phải là Mẹ đến hành khất chúng ta một chút niềm kính tôn chúc tụng, những niềm kính tôn chúc tụng thật chẳng đáng gì với Mẹ; nhưng chúng ta càng nhiệt liệt tin tưởng nơi Mẹ, thì Mẹ càng phung phát cho chúng ta nhiều ân huệ, nhiều an ủi từ ái, càng quí yêu, càng ban ơn, càng xử với chúng ta như những người con yêu của Mẹ. Nương trên đôi cánh phượng hoàng Thiếu phụ Rút trong Thánh Kinh là hình ảnh Mẹ Maria. Tên Rút có nghĩa là người trông nhìn và vội vã. Thánh Bonaventura viết: “Đó cũng là tên của Mẹ Maria; Mẹ là người trông nhìn nỗi quẫn bách của ta, và mau mắn ban phát tình thương của Mẹ”. Cha Nôvarinô thêm: “Hăm hở ước muốn làm lành cho chúng ta, Mẹ Maria không biết trì hoãn là gì. Không phải như một người biển lận khư khư giữ lấy ơn riêng, Mẹ tình thương của chúng ta rất cấp tốc mau lẹ khi trào đổ những kho tàng nhân ái khoan hòa xuống cho các con của Mẹ”. Phải rồi, Mẹ Maria, Mẹ nhân từ của chúng ta, rất vội vã đến cấp cứu người kêu xin Mẹ! Sách Diễm ca viết: Nhũ bộ của Người như đôi sơn dương (Dc 4, 5). Cha Risa nhận xét câu đó rằng: “Những con sơn dương đang xoan linh lợi, cử động hoạt bát thế nào, thì Mẹ Maria cũng hoạt bát linh lợi ban sữa tình thương cho người cầu xin Mẹ như vậy”. Cha lại thêm: “Chỉ một cố gắng tối thiểu, một kinh Kính Mừng đơn giản, cũng đủ bảo đảm cho chúng ta được lòng từ ái của Mẹ ban xuống chan hòa hồng ân đại lượng”. Do đó, cha Nôvarinô quyết nhận rằng: không những Đức Nữ Trinh chạy tới, mà lại bay tới hộ phù những người cầu xin Mẹ. Trong việc thi thố tình thương, Mẹ cũng làm như Thiên Chúa. “Thiên Chúa nương cánh mang ơn cứu độ đến giúp ta. Thoạt khi ta vừa cầu nguyện”, Chúa đã ở bên ta rồi; có thế Chúa mới thủ tín được lời đã hứa với ta: Cứ xin sẽ được (Ga 16, 24). “Cũng vậy, Mẹ Maria nương cánh bay đến cấp cứu ta”, ngay khi ta vừa thoạt kêu đến Mẹ. Ở đây ta hiểu ra nữ nhân sách Khải Huyền đã nói là ai: Nữ nhân đó có đôi cánh của một con phượng lớn để bay về khoáng dã (Kh 12, 11). Cha Ribêria viết: “Đó chính là đôi cánh của tình yêu nâng Mẹ Maria về cùng Thiên Chúa”. Nhưng chân phúc Amêđê diễn giảng thích hợp với đề tài của chúng ta hơn. Theo ngài, đôi cánh của một con phượng lớn có nghĩa là “sự vô cùng linh hoạt vượt trên tất cả các luyến thần, Mẹ Maria nương theo để đến khắp cùng các người con kêu đến Mẹ”. Khi đến mang ân sủng nhuần ban cho gia đình bà Isave, Mẹ Maria đã không đi một cách thong dong trì hoãn, nhưng Mẹ đã băng qua đồi núi xa xôi dưới bước đi mau lẹ. Thánh Luca viết lại rõ ràng: Maria khởi hành, vội vã băng qua một miền rừng núi (Lc 1, 39). Lúc Mẹ trở về, Thánh Kinh không nói Mẹ đi thế nào. Sách Diễm ca cũng nói về Mẹ vì cùng một lý do đó rằng tay Mẹ lanh lẹ như một bàn xoay tiện gỗ (Dc 5, 14). Cha Risa chú thích: “Như nghệ thuật tiện gỗ là nghệ thuật cực kỳ mau chóng sánh với các nghệ thuật khác, thì, sánh với các thánh, Mẹ Maria cũng là người linh lợi nhất, mau mắn nhất đến cứu giúp ta”. Cha Luy Blêsê quả quyết: “Mẹ tha thiết ước mong an ủi mọi người chúng ta, đến nỗi chỉ một lời cầu tối thiểu” cũng được Mẹ vội vàng đón nhận, “và được nghe nhậm tức thì”. Cho nên thánh Bonaventura tuyên nhận Mẹ Maria là “ơn cứu thoát của những người kêu xin Mẹ”, thật là đúng lắm vậy; cứ kêu lên Mẹ một lời là đủ được giải thoát khỏi tội tình. Cha Risa quả quyết: “Lúc nào chúng ta cầu nguyện, Mẹ cũng sẵn sàng đến cấp cứu”, và cha Bênađinô Busti lại thêm: “Mẹ ước mong làm ơn cho chúng ta tha thiết hơn chúng ta đến lĩnh nhận”. Chờ đón người đến cầu xin Tội lỗi chúng ta có nhiều đến nỗi lung lạc được lòng chúng ta tin tưởng Mẹ nghe lời ta cầu xin,khi đến dưới chân Mẹ không? Nhất định là không. Ta hãy minh tâm khắc cốt tư tưởng đẹp đẽ sau đây của cha Risa: “Không bao giờ Maria quên rằng Mẹ đã được tuyển nhiệm làm Mẹ tình thương; vậy, không có quẫn bách, không có đốn mạt,thì tình thương để làm gì? Chẳng có bà mẹ xứng danh nào lại có thể từ chối cung cấp đủ nhu cầu cho đứa con phong hủi”, vịn cớ rằng nó ghê tởm và bẩn xấu quá, “thì Mẹ Maria cũng không sao từ bỏ được một người tội lỗi” đến cầu xin Mẹ. Họ có ghê tởm đến đâu, và tội lỗi mà Mẹ nhận điều trị có xông lên một mùi xú uế thế nào đi nữa, cũng không làm Mẹ xa cách họ được. Điều ấy Mẹ Maria đã đích thân đến dạy cho thánh nữ Gertruđê, khi hiển linh mở rộng áo choàng đón nhận tất cả những người vào ẩn nương bên Mẹ. Cùng lúc đó, thánh nữ cũng hiểu rằng đạo binh các thiên thần lúc nào cũng sẵn sàng phòng thủ cho các tôi tớ của Mẹ Maria trước sức tấn công của hỏa ngục. Hơn nữa, tình thương cảm và lòng yêu đương quá độ của Mẹ không để Mẹ phải đợi chờ chúng ta đến cầu xin mới cứu chữa. Mẹ đón trước những ai khao khát Mẹ và Mẹ tỏ mình ra cho họ trước (Kn 6, 14). Áp dụng vào Mẹ lời sách Khôn ngoan trên đây, thánh Anselmô bảo: Mẹ chạy trước đến với những người khao khát được Mẹ phù hộ. Do đó, chúng ta phải hiểu rằng Mẹ xin Chúa ban ân sủng cho chúng ta ngay trước khi chúng ta cầu xin Mẹ. Nếu Thánh Kinh tuyên dương Mẹ Maria đẹp như trăng (Dc 6, 9) thì, theo nhận xét của cha Risa Victorê, chính là vì Mẹ “cử động linh hoạt”. Đức Nữ Vương nhân từ của chúng ta không hề đành lòng rùi rắng rồi mới đáp lời ta kêu xin: Mẹ thiết tha ân cần “tự tay săn sóc cho những người cùng quẫn, và tình thương của Mẹ vội vàng cấp cứu chúng ta hơn chúng ta hối hả đến kêu cầu Mẹ”. Sao Mẹ lại ân cần vội vã như vậy? Thưa: là vì Mẹ tràn đầy tình thương. Vừa thoạt nhận thấy chúng ta cần thiết gì, là Mẹ trào đổ nhu cầu đó xuống cho chúng ta ngay. Nhìn thấy một kẻ khốn quẫn, Mẹ không thể không cấp cứu được. Tình trắc ẩn cao cả thúc đẩy Mẹ Maria cảm thương và ủy lạo người ta cả khi họ chưa kêu cầu Mẹ này, Mẹ đã chứng tỏ ngay ngày còn tại thế, khi đến dự một tiệc cưới ở Cana. Thấy đôi tân hôn rầu rĩ và bẽ mặt vì thiếu rượu đãi khách, chẳng cần phải ai nói, mà chỉ vì lòng nhân ái không sao lãnh đạm được trước nỗi khổ của tha nhân, Mẹ đã tự đến xin Con Mẹ an ủi đôi vợ chồng mới, và trình bày với Con Mẹ nỗi ưu tư của họ: Họ hết rượu rồi (Ga 2, 3). Thế là, để an ủi nhà đám và nhất là để làm thỏa mãn từ tâm của Mẹ, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ thời danh là biến nước thành rượu. Cha Nôvarinô nhân đó mà lý luận: “Nếu chưa ai kêu cầu gì mà Mẹ Maria đã vội vã giúp đỡ người ta đến độ ấy, thì nếu người ta xin Mẹ, Mẹ còn thương xót đến đâu nữa?”, và Mẹ sẽ sẵn sàng cung cấp nguồn an ủi hộ phù khi người ta xin Mẹ đến thế nào nữa! Thà cho đất trời sụp đổ Ai e ngại không dám chạy đến cùng Mẹ, không dám xin Mẹ cứu trợ, xin hãy nghe lời Đức Innocentê III trách họ hoài nghi rằng: “Đã có ai đến kêu cầu cùng Nữ Vương dịu hiền của chúng ta mà không được khứng nhậm chưa?”. Chân phúc Êutykianô cũng hỏi: “Lạy Mẹ, ai đã thấy mình bị bỏ quên khi kêu đến quyền bảo trợ toàn năng của Mẹ, quyền bảo trợ đảm bảo sự cấp cứu kịp thời cho mọi cùng quẫn, đảm bảo ơn cứu thoát cho mọi tội nhân trọng phạm? Ai? Không có ai cả, và sẽ không có ai cả!” Thật vậy, chưa thấy như thế bao giờ, và cũng sẽ không thể thấy như thế bao giờ. Thánh Bênađô cảm thán: “Lạy Nữ Trinh phúc đức, ai nói được rằng: gặp quẫn bách, tôi đã đến kêu xin Đức Mẹ, mà Đức Mẹ có đáp lời gì tôi đâu, thì con đồng ý cho họ đừng nói đến tình thương của Mẹ làm gì nữa”. “Đất trời sẽ sụp đổ điêu tàn, nếu có người đem lòng thành thật đến cầu xin Maria, mà Mẹ lại không đến cứu giúp họ”, cha Luy Blêsê quả quyết như thế. Để phấn khích thêm lòng chúng ta tin tưởng, thánh Anselmô còn nói không những chúng ta chắc chắn sẽ được Mẹ phù trì, nếu chúng ta kêu xin Mẹ, mà “đôi khi cầu xin nhân danh Mẹ Maria, chúng ta lại được khứng nhận chóng hơn khi cầu xin nhân danh Chúa Giêsu”. Thánh tiến sĩ lý luận như thế này: Thật ra, không phải là Mẹ Maria có quyền thế để cứu vớt chúng ta hơn Con Mẹ, vì chúng ta đã biết, Chúa Giêsu là Cứu Chúa duy nhất của ta, công nghiệp Chúa lập đã và sẽ vẫn còn là nền tảng độc nhất của sự cứu thoát chúng ta. Nhưng khi chạy đến cùng Chúa Giêsu, chúng ta vẫn không sao quên được Người cũng là Thẩm phán, có quyền trừng trị tội chúng ta vô tình tệ bạc: cho nên có thể là chúng ta thiếu mất lòng tin tưởng cần thiết để được nhậm lời. Về phần Mẹ Maria, trong mọi trường hợp xử sự, Mẹ chỉ là tình thương. Mẹ là Mẹ hoàn toàn khoan dung của chúng ta, và chức năng của Mẹ chỉ là thương cảm chúng ta. Mẹ là trạng sư của chúng ta, và chức phận của Mẹ chỉ là biện hộ cho chúng ta. Do đó, bên Mẹ, lòng tin tưởng của chúng ta sẽ được bảo đảm và linh động hơn. Đàng khác, như cha Nicêphôrê nhận xét, “ta xin Chúa nhiều ơn không được, mà xin Mẹ Maria nhiều ơn lại được. Tại sao thế? Hẳn không phải là vì Mẹ Maria có uy quyền hơn Chúa; mà chỉ là vì Chúa muốn tôn kính Mẹ Người như vậy mà thôi”. Thật an ủi biết bao lời mà thánh nữ Brigita một lần nghe thấy Chúa Giêsu hứa với Mẹ Maria: “Không có lời nào Mẹ xin mà Con không muốn nhận cả. Mẹ biết đấy, tất cả những ai xin Con ân huệ nào vì lòng yêu mến Mẹ – dầu họ rất tội lỗi, miễn là họ có thiện tâm cải quá, - Con đều nhận ban cho họ”. Thánh nữ Gertruđê cũng được mặc khải tương tự. Chúa nói với Mẹ: “Ôi Mẹ, Con đã trao cho Mẹ cả quyền toàn năng được tha thứ cho tất cả những tội nhân nào nhiệt thành xin Mẹ nhân từ cứu trợ. Họ sẽ được thương xót tùy cách nào Mẹ coi là tốt đẹp nhất”. Cho nên, mỗi khi cầu xin cùng Mẹ tình thương, chúng ta hãy đầy tin lòng tưởng, đọc lời sau đây của thánh Âutinh: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”. Thế thì, lạy Nữ Vương rất khoan nhân, Mẹ lại chịu để con nói được rằng con đã bị Mẹ bỏ rơi ư? Đừng, con không muốn là người bất hạnh, đến kêu xin Mẹ, mà lại bị Mẹ bỏ rơi trước nhất đâu. Mãnh lực kinh Hãy Nhớ Thánh Phanxicô Salê từng nghiệm thấy hiệu lực của lời kinh trên đây, như sử gia thuật truyện ngài đã viết. Hồi chừng mười bảy tuổi, thánh nhân lên trọ học tại Paris. Ngài rất mê học, nhưng cũng không vì thế mà quên sống cuộc đời đạo hạnh mến yêu Thiên Chúa, Đấng đã cho ngài nếm trước được những khoái thú chân thật, như được hưởng trước nước Trời. Để thử sức và nối kết ngài lại với tình yêu chí thánh mạnh mẽ hơn nữa, Chúa cho phép ma quỉ bày ra cho ngài thấy tất cả những việc ngài làm đều là căn cớ bị trầm đọa: ngài thấy như là Chúa đã quyết định đọa phạt ngài rồi. Đồng thời, Chúa cũng muốn bỏ rơi ngài ít lâu trong bóng tối trập trùng và khô lạnh thiêng liêng. Những ý tưởng cảm kích nhất về lòng Chúa nhân từ cũng vẫn làm cho ngài vô cảm; chước cám dỗ tấn công ác liệt hơn, và người thanh niên thánh thiện ấy cảm thấy tâm hồn tràn ứ u buồn. Bị dằn vật giữa những sợ hãi, những chán nản đó, ngài ăn mất ngon, ngủ mất yên, da dẻ hồng hào và niềm vui hồn nhiên trước kia tiêu tan hết cả, coi ngài như một hiện thân của thất vọng, ai trông thấy cũng phải ái ngại mủi lòng. Trong suốt cơn bão táp kinh hoàng ấy, tâm trí ngài lúc nào cũng nghẹn chứa những ý tưởng thất vọng, chỉ thốt ra những lời đau đớn. “Thế là tôi mất nghĩa cùng Chúa rồi hay sao? Chúa đáng mến và nhân từ đến thế, mà ...! Ôi Tình yêu, ôi Mỹ diệu mà tôi đã hiến phú trót tình yêu của tôi để yêu mến, tôi sẽ không được vui thú gì nữa ư? Ôi Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, thiếu nữ diễm lệ xuất chúng của Giêrusalem trên trời, con sẽ không được diễm phúc chiêm ngưỡng Mẹ ở trên thiên đàng nữa ư? Ôi! Lạy Nữ Vương, nếu sau này con không được ngắm nhìn vẻ diễm lệ trên gương mặt Mẹ, thì ít ra Mẹ đừng để con nguyền rủa xúc phạm đến Mẹ!” Những tâm tình dịu dàng phát xuất từ tâm hồn sầu héo nhưng say mê yêu mến Chúa và Mẹ Maria của thánh nhân hồi đó, tương tự như thế cả. Sau hơn một tháng trời thử thách, Chúa muốn ban bình an cho thánh nhân qua trung gian của Đấng Ủi An thế giới, tức là Mẹ Đồng Trinh Maria, Người mà thánh nhân đã hiến dâng đức đồng trinh thanh sạch của mình cho ngay từ tuổi hoa niên, Người mà ngài đã tuyên xưng đặt vào trọn mọi niềm hi vọng. Một buổi chiều, từ trường học trở về nhà, ngài vào một nhà thờ, thấy trên tường có treo một bảng nhỏ, ngài lại gần xem thì thấy trên bảng viết lời kinh của thánh Âutinh: “Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời...” Ngài liền sấp mình xuống trước bàn thờ Đức Mẹ, đem hết tâm hồn đọc kinh đó, khấn lại lời khấn đức thanh tịnh, hứa lần hạt hằng ngày, rồi thêm rằng: - Lạy Nữ Vương, xin hãy làm trạng sư biện hộ cho con bên Con Mẹ. Giờ đây con không dám bạo gan đến gần Người nữa rồi. Lạy Mẹ, nếu đời sau con vô phúc không được yêu mến Chúa mà con xưng nhận là rất đáng mến, thì ít là xin Mẹ cho con được hết sức mến Chúa ở đời này. Con chỉ xin Mẹ có thế, và con chờ đợi Mẹ ban cho con. Cầu xin như vậy rồi, ngài phó trót mình vào cánh tay thương xót của Chúa, xin vâng theo thánh ý Chúa hoàn toàn. Nhưng ngài cầu nguyện vừa xong, thì trong giây lát, nhờ Mẹ dịu dàng, ngài được giải thoát khỏi cơn cám dỗ. Tâm hồn lngài lại được bình an, và bình an đó tràn ra trả sức khỏe lại cho thân xác. Từ đó, ngài tiếp tục tha thiết tôn sùng Mẹ Maria, và suốt đời ngài, ngài đã không ngừng cao rao vinh quang và tình thương của Mẹ Maria, trong sách vở cũng như trong lời giảng thuyết. Mẹ có đủ quyền ban ơn Lạy Mẹ Thiên Chúa là Nữ Vương các thiên thần và hi vọng của loài người, xin lắng nghe tiếng con kêu lên Mẹ, van nài Mẹ phù trì con. Giờ đây, con, một tên nô lệ khốn cực của hỏa ngục, con sấp mình dưới chân Mẹ, xin làm nô lệ Mẹ mãi mãi, và đoan hứa hết sức phụng sự tôn kính Mẹ suốt cuộc đời con. Con nhận thật rằng chẳng vinh dự cho Mẹ chút nào khi nhận vào quyền Mẹ một con người hèn đớn và ngoan cố như con, đã lỗi phạm bao lần đến Chúa Giêsu Con Mẹ và là Đấng Cứu chuộc của con. Nhưng nếu Mẹ nhận con làm nô lệ Mẹ, mặc dầu con bất xứng, và nếu Mẹ can thiệp cho con đây được phụng sự Mẹ, thì lòng thương đó sẽ đem về cho Mẹ một vinh dự mà con không sao dâng kính Mẹ được. Vậy lạy Mẹ, xin nhận con làm con Mẹ, xin đừng đuổi con đi! Ngôi Lời hằng hữu đã bỏ trời nhập thể để đi tìm những con chiên lạc lõng; Người trở nên Con Mẹ là cốt để cứu vớt chúng con về. Thế mà Mẹ, Mẹ lại coi thường con chiên lạc đó, khi nó đến cùng Mẹ để tìm Chúa Giêsu hay sao? Phí tổn phần rỗi con đã được trang trải rồi. Chúa Giêsu đã trào đổ bảo huyết đủ để cứu chuộc muôn ngàn thế gian. Chỉ cần áp dụng bảo huyết đó cho con nữa là được; mà, lạy Nữ Vương phúc đức, sự áp dụng đó tùy ở Mẹ! Vâng, thánh Bênađô bảo con, Mẹ có quyền đủ để phân phát công nghiệp Máu cứu chuộc tùy sở thích của Mẹ; như thánh Bonaventura đã thưa cùng Mẹ: “Mẹ cứu người nào Mẹ muốn”. Vậy, lạy Nữ Vương, xin giúp đỡ con! Lạy Nữ Vương, xin cứu vớt con! Hôm nay, con xin dâng phó trót linh hồn con cho Mẹ: Mẹ hãy tìm cách giải thoát con đi. Cùng với thánh Bonaventura, con xin lặp lại rằng: “Ôi cứu tinh của những người kêu cầu Mẹ, xin cứu thoát con!” |